Dự án bờ kè chống sạt lở khu vực trước trụ sở UBND xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè, Tiền Giang được giải ngân từ vốn đầu tư công. Ảnh: Lâm Nguyên - TTXVN

Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc công khai giải ngân các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải, dự án giao thông liên vùng do địa phương quản lý, các dự án sạt lở sông biển sử dụng dự phòng ngân sách Trung ương năm 2023.

Theo đó, Bộ Tài chính công khai giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 đến ngày 13/6/2024 của 38 các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải, 86 các dự án giao thông liên vùng do 61 địa phương quản lý và 21 dự án sạt lở sông biển do các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

Cụ thể, với 38 các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải có tổng số vốn kế hoạch được giao 107.888 tỷ đồng; trong đó vốn trong nước là 105.463 tỷ đồng, vốn ngoài nước là 2.425 tỷ đồng. Song, số giải ngân mới đạt 29.515 tỷ đồng, đạt 27% kế hoạch được giao; trong đó vốn trong nước là 28.243 tỷ đồng, đạt 27%, vốn ngoài nước 1.272 tỷ đồng, đạt 52%.

Với 86 các dự án giao thông liên vùng do 61 địa phương quản lý, tổng số vốn kế hoạch được giao là 28.042 tỷ đồng. Tính đến ngày 12/6, giải ngân là 4.834 tỷ đồng, đạt 17% kế hoạch được giao; trong đó ngân sách Trung ương là 3.278 tỷ đồng, đạt gần 17% kế hoạch, ngân sách địa phương 1.556 tỷ đồng, đạt 19% kế hoạch được giao.

Về giải ngân vốn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2023 của 21 dự án sạt lở sông biển do các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long quản lý, tổng số được giao 4.000 tỷ đồng, giải ngân đến ngày 18/6 là 818 tỷ đồng, đạt 20% kế hoạch.

Với tình hình đó, Bộ Tài chính đề nghị ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân bổ đủ kế hoạch vốn ngân sách địa phương năm 2024 cho các dự án đồng thời khẩn trương phân bổ kế hoạch vốn ngân sách Trung ương năm 2024 từ nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2022 để triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, Bộ Giao thông vận tải và ủy ban nhân dân cấp tỉnh cần triển khai nghiêm túc, quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

Riêng các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ Tài chính đề nghị thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Các địa phương chậm nhất đến ngày 31/12/2024 phải hoàn thành dự án theo quy định. Việc tổ chức giải ngân vốn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2023 cần được bổ sung chậm nhất đến ngày 31/12/2024 theo đúng quy định của pháp luật.